Tai nghe này hiện đã có bán tại Việt Nam, giá tham khảo tại cửa hàng Xuân Vũ Audio là 5,99 triệu đồng. Về ngoại hình, mẫu tai nghe mới MDR-1A của Sony có thiết kế đóng (closed back) với 2 củ tai lớn ôm trọn vành tai người dùng (over-ear heaphone) và khá giống mẫu tai nghe tiền nhiệm là MDR-1R.
MDR-1A có ngoại hình to hơn MDR-1R, với độ cong của phần vành tai nghe (headband) rộng hơn của 1R và phần củ tai cũng có kích thước to hơn một chút.
Nếu như chụp tai của Sony MDR-1R được làm bằng nhựa trông rất bóng bẩy sang trọng, chụp tai của Sony MDR-1A lại được làm bằng nhựa sần, giúp chống xước mà vẫn đảm bảo vẻ ngoài hiện đại, đẹp đẽ của chiếc tai nghe.
Điểm khác biệt thứ hai là phần đệm tai nghe (pad) của Sony MDR-1A cũng to hơn và dày hơn MDR-1R, do đó đeo tai nghe này tạo cảm giác thoải mái hơn chiếc MDR-1R khá nhiều. Theo thông tin từ nhà sản xuất Sony, phần màng loa của MDR-1A có đường kính khá lớn, 40 mm với công nghệ polymer tinh thể lỏng với lớp phủ nhôm giúp đem lại âm thanh rõ ràng trung thực.
Là tai nghe chụp tai nên MDR-1A có ngoại hình khá to song thực chất lại có trọng lượng tương đối nhẹ, chỉ nặng khoảng 225g vì được cấu tạo từ phần lớn các vật liệu cao cấp và siêu nhẹ.
Jack tai nghe:
Về phụ kiện, giống với tai nghe MDR-1R, MDR-1A cũng có thiết kế cáp tín hiệu âm thanh có thể tháo rời và đều đi kèm 2 dây 3.5 chống rối, một dây có mic cho smartphone và một dây thông dụng. Đặc biệt, MDR-1A vẫn sử dụng thiết kế cáp tín hiệu âm thanh chống ôxy hóa OFC (Oxygen Free Copper) giúp dây cáp có độ bền cao và đặc biệt là truyền tải được toàn bộ độ chi tiết của âm thanh từ nguồn phát.
Ngoài ra, phụ kiện của MDR-1A cũng bao gồm thêm một túi đựng được chia làm 2 ngăn, một ngăn đựng dây và một ngăn đựng tai nghe.
Toàn bộ phụ kiện đi kèm Sony MDR-1A
Chất âm:
Trong bài đánh giá tai nghe này, chúng tôi dùng nguồn phát là điện thoại iPhone 6, máy nghe nhạc Sony A15 và máy nghe nhạc Hidizs AP100.
Về âm trầm, có thể thấy ngay sự khác biệt về chất âm, MDR-1A có chất âm tối hơn MDR-1R. Âm trầm (bass) khá mạnh và sâu, có lực, chắc và khỏe, tốc độ ổn. Ngay cả khi nghe với các bản nhạc có tiết tấu nhanh vàdồn dập, dải trầm của Sony MDR 1A vẫn khá gọn gàng và kiểm soát tốt, không để lại đuôi, độ rung động ngầm (sub bass) khá dày, giúp cho trải nghiệm nghe nhạc đã tai.
Tuy vậy, dải trầm của MDR-1A có lượng khá nhưng có thể không đủ để chiều một số người yêu thích dải trầm. Cụ thể, khi nghe các bản nhạc dance, hip hop trên MDR-1A, chúng tôi thấy dải trầm hơi thiếu hụt. Ngoài ra, độ rung động ngầm (sub bass) của 1A sẽ hơi lấn dải cao một chút nhưng không đáng kể.
So với Sony MDR-1A, dải trầm của Sony MDR-1R còn nhẹ và hiền hơn, chủ yếu là ít độ rung động ngầm hơn, lực ít hơn chút và tốc độ chậm hơn.
Dải trung (mid) của hai chiếc tai nghe này khá giống nhau về độ ngọt ngào, truyền cảm tuy rằng dải trung của Sony MDR-1A lùi hơn so với tai nghe Sony MDR-1R. Nhưng nhìn chung, cả Sony MDR-1A và MDR-1R đều tỏa sáng khi nghe các bài hát giọng nữ cao (vocal). Ví như tiếng hát của Yao Si Ting trong bài hát 'Betrayal' vẫn vang lên trong trẻo và thánh thót hay tiếng hát Lana Del Rey trong bài hát 'Young and Beautiful' vẫn đầy ma mị và mê hoặc.
Dải cao của cả 2 đôi tai nghe đều được thể hiện khá tốt và chi tiết. Tiếng nhạc cụ dây như guitar hay tiếng vỗ tay trong bản 'Hotel California' được tái hiện chân thật và leng keng, tuy vậy khi thể hiện những nốt cao trong các bài hát của Yao Si Ting vẫn để lại chút chói, gắt.
Tiếp nối chiếc tai nghe Sony MDR-1R, âm trường cũng là một điểm cộng ở Sony MDR-1A. Không gian âm nhạc của Sony MDR-1A rất thoáng đãng, rộng rãi, tách biệt nhạc cụ tốt, tạo cảm giác thoải mái cho người nghe.
Tổng kết:
Nếu một số người cảm thấy không hài lòng với dải trầm của Sony MDR-1R có thể nghe thử phiên bản kế nhiệm là Sony MDR-1A. Điểm nâng cấp chủ yếu của tai nghe mới này là dải trầm có chất và lượng hơn, nhưng vẫn giữ được tổng thể chất âm cân bằng, chi tiết với âm trường thoáng đãng giúp người dùng có thể nghe liên tục trong một thời gian dài mà không bị mệt.