TRẢI NGHIỆM TAI NGHE IN-EAR FOCAL SPHEAR S
Tuy có giá bán chỉ gần 3 triệu, song Sphear S lại chính là “trùm cuối” trong các dòng tai nghe in-ear từ Focal. Đây là dòng tai nghe được Focal tạo ra nhằm mục đích đem tới cho người nghe chất âm nguyên bản và độc đáo khi thưởng thức nhạc số chất lượng cao.
Thiết kế
Với kinh nghiệm lâu năm trong việc thiết kế, Focal rất biết cách giúp cho SPHEAR S tạo ấn tượng mạnh đến với người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mặt ngoài housing SPHEAR S là một lớp thép không rỉ, chính giữa là logo Focal được khắc chính xác, hiện lên một cách nổi bật nhờ một lớp lưới lót ở trong.
Trong khi đó, phần còn lại của housing lại được làm từ chất liệu nhựa cứng cùng bề mặt đã qua xử lý để tạo độ bóng cao. Việc dùng chất liệu nhựa cho phép Focal tạo nên một bề mặt cong “hoàn hảo”, giúp người dùng có thể nhét tai nghe vào tai một cách dễ dàng, không gây khó chịu dù có kích thước lớn “bất thường”. Được biết, ở Sphear S, Focal đã sử dụng driver có đường kính lên tới 10,8mm (thông thường driver in-ear sẽ là khoảng 8mm) để tăng hiệu quả tái tạo âm thanh.
Kiểu thiết kế bất đối xứng của Sphear S có một ưu điểm: giúp người dùng dễ dàng phân biệt L và R mà không cần xem lại ký hiệu trên tai nghe (được dập nổi ngay tại vị trí dễ thấy). Ngoài ra, chúng ta còn có thể phân biệt L/R thông qua bên dây có kèm microphone (tức bên L).
Một điểm khiến chúng tôi cảm thấy thắc mắc trên Sphear S chính là mẫu in-ear này không sử dụng kiểu dây cáp có thể tháo rời – vốn rất phổ biến với nhiều sản phẩm tương tự trong cùng tầm giá. Bù lại, dây cáp tiêu chuẩn của Sphear S lại được bọc cao su khá chắc chắn, đặc biệt là phần dây từ nút điều khiển cho đến jack cắm 3.5mm dạng chữ L. Nói chung, độ bền của sợi dây này là có thể tin tưởng được.
Về tổng thể, thiết kế của Sphear S khá ổn và năng động, phù hợp với nhiều kiểu người dùng khác nhau. Bên cạnh đó, đúng như giới thiệu được nhà sản xuất in trên hộp, khả năng cách âm trên Sphear S thật sự rất hiệu quả, cho phép người nghe chìm vào không gian âm nhạc của riêng mình mà không phải lo nghĩ về việc bị tiếng ồn xung quanh làm phiền.
Bộ phụ kiện đi kèm Sphear S bao gồm 1 túi đựng tai nghe, 3 bộ eartip silicon và 3 bộ eartip memory foam. Cá nhân tôi rất thích loại eartip bằng foam vì cảm giác dễ chịu mà loại eartip này đem lại, đặc biệt thích hợp cho những ai có thói quen đeo tai nghe lâu. Bên cạnh đó, nó còn tăng thêm hiệu quả cách âm của Sphear S.
Trải nghiệm
Với mức trở kháng chỉ vào 16 Ohm, Sphear S khá “dễ chịu” với nhiều loại nguồn phát khác nhau như smartphone, máy nghe nhạc hay laptop. Trong quá trình trải nghiệm, tôi chủ yếu sử dụng tai nghe với nguồn là laptop khi ở văn phòng và điện thoại Vibe P1 khi ra ngoài. Nguồn nhạc thử nghiệm là nhạc từ Tidal và lưu trữ sẵn trên laptop, đa số là nhạc hi-res chất lượng 24-bit/96 kHz (Tidal Master).
Nếu không thích dùng tai nghe không dây cùng smartphone, Sphear S sẽ là lựa chọn thích hợp cho bạn. Micro trên tai nghe cho chất lượng đàm thoại khá tốt. Bên cạnh việc dùng để nhận cuộc gọi đến, nút điều khiển (nằm ở đoạn chia dây) còn hoạt động hiệu quả với các ứng dụng nghe nhạc trên thiết bị. Thao tác điều khiển trên Sphear S rất đơn giản: bấm 1 lần để phát/ngưng nhạc, 2 lần để chuyển qua bài kế tiếp và 3 lần để quay lại bài trước.
Là một bậc thầy về thiết kế loa, Focal hiểu rất rõ về cách thiết kế hệ thống thoát hơi bass và ứng dụng nó một cách khéo lên lên Sphear S. Nói cách khác, Sphear S không khác nào một cặp loa mini có thể gắn lên tai. Nghe thử với The Chain (Fleetwood Mac), có thể cảm nhận rõ sự thay đổi của tiếng trống: từ chậm rãi, nhịp nhàng cho đến dồn dập khi vào điệp khúc. Bên cạnh đó, lượng bass được kiểm soát tốt ở đoạn cuối còn góp phần tôn thêm sức hấp dẫn cho đoạn guitar solo – phần hay nhất trong The Chain.
Để trải nghiệm dải mid và treble rõ ràng hơn, tôi quyết định chuyển sang nghe nhạc hẳn trên laptop thay vì nguồn từ điện thoại để tận dụng hết khả năng của Sphear S. Với “Fairy Tale” (Alexander Rybak), dải treble được Focal chỉnh khá tốt, cho tiếng violin khá sáng nhưng lại không hề khiến cho người nghe cảm thấy chói tai. Tuy nhiên, khi chú ý kỹ một chút, tôi cảm giác dải mid chính là “thủ phạm” khiến Sphear S trở thành mẫu tai nghe thiên sáng và hơi lạnh. Nói cách khác, giọng hát của Alexander Rybak tuy được thể hiện rõ ràng nhưng vẫn chưa đủ để người nghe "cảm" được cái chất lãng mạn vốn có từ chàng ca sĩ này.
Với lợi thế về thiết kế, Sphear S có được âm tầng khá rộng. Các nhạc cụ được thể hiện rõ ràng và tách bạch, giúp cho người nghe dễ dàng nhận biết được vị trí của chúng, dù ngay ở những đoạn nhạc rock “hỗn loạn” với tiếng gào thét của rocker.
Nhìn chung, ở phân khúc tai nghe dưới 3 triệu, Sphear S là một lựa chọn sáng giá với khả năng khai thác tốt được nhiều nguồn phát khác nhau, đem tới cho người nghe âm thanh hay nhất có thể mà không cần bận tâm đến việc đầu tư vào DAC hay những thiết bị khác.